Nguyễn Thị Kim Hoa
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Trước gương mặt không giấu nổi sự tò mò của tôi, chị bật cười nói:
– Đó là món Phở. Em biết đấy, Phở Hà Nội cổ truyền ngon nức tiếng đã được cụ Nguyễn Tuân viết hẳn một tùy bút. Nhưng người Hà Nội sành điệu bây giờ đi ăn phở Cali em ạ. Hôm nay chị sẽ đãi em phở Cali ở nhà hàng Hoa An Viên, địa chỉ số 95 Lê Đức Thọ, đối diện sân vận động Mỹ Đình.
Anh Hai Lâm và Phở Cali, ảnh: Nguyễn Thị Kim Hoa.
Vào đấy em tha hồ chọn, có phở nạm, gầu, bắp ….của bò ta và bò Canada. Nếu không thích ăn phở bò thì em có thể ăn phở gà Đông Tảo. Gà được mua ở trang trại chuyên nuôi gà Đông Tảo, thả vườn, thịt rất thơm và giòn. Điều đặc biệt quan trọng mà chị rất thích ở đó là nhà hàng không dùng mì chính.Nước phở ở đấy được ninh xương trong 48 tiếng đồng hồ. Tất cả các giai đoạn chuẩn bị cho món phở Cali đều được áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm của Mỹ và Châu Âu. Mọi đồ dùng như tô, đũa, thìa…sau khi rửa đều được tiệt trùng và sấy nóng trong lò, khi nào dùng mới lấy ra. Mùi thơm của xương thịt chín,xương thịt tươi tạo nên một tô phở đặc biệt hấp dẫn, khác với mùi thơm của các tô phở được nêm nếm đủ các loại hóa chất mà chị đã ăn ở các quán khác. Ngoài món phở Cali tạo nên thương hiệu độc quyền, nhà hàng Hoa An Viên còn có các món Âu Á vô cùng ngon và hấp dẫn. Tất cả các món ăn đều có hương vị rất đặc trưng.Em sẽ được thưởng thức hương vị bò bảy món đúng điệu. Cá tầm, cá hồi, cá ngừ đại dương chế biến đúng chuẩn Châu Âu, các loại đồ uống nguyên chất với quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt…
Chủ Nhà Hàng Hoa An Viên, Anh Hai Lâm, ảnh: Nguyễn Thị Kim Hoa.
Nhà hàng có khuôn viên xanh mát, rộng lớn, có sức chứa lên tới hơn 1000 khách. Với hệ thống âm thanh, ánh sáng, vườn cây được đầu tư công phu, nhân viên nhiệt tình lễ phép, khách hàng tới Hoa An Viên đều cảm thấy hài lòng với chất lượng phục vụ ở đây. Chị đã từng thưởng thức nhiều món ăn ngon của nhà hàng Hoa An Viên, nhưng điều khiến chị nhớ nhà hàng Hoa An Viên nhất đó là anh Tôn Lâm – người đã đưa thương hiệu phở Cali về đất Hà Thành và là người sáng lập ra nhà hàng Hoa An Viên.Anh Tôn Lâm rất thành công khi giới thiệu phở Cali ở giữa lòng Hà Nội.Mười bảy năm sống trên đất Mỹ, anh Tôn Lâm đưa về Hà Thành bóng dáng cây phong đỏ gợi nhớ sắc thu ở nước Mỹ xa xôi. Một nhà hàng đẹp, sang trọng, quý phái đến từng chi tiết, một phong cách phục vụ chuyên nghiệp, trân trọng, quý mến khách hàng là thông điệp mà anh Tôn Lâm chuyển tải đến người dân Hà Thành khi mở nhà hàng Hoa An Viên. Phong cách đó được tập thể nhân viên phục vụ ở nhà hàng Hoa An Viên lĩnh hội. Và nhà hàng được đông đảo người dân Hà Thành đón nhận, ủng hộ. Chị đã có cơ hội được gặp gỡ và nói chuyện với anh, được nghe anh tâm sự về hành trình món phở nửa vòng trái đất, về cuộc đời thăng trầm và những đóng góp cho đất nước Việt Nam mình mà chị rất cảm phục. Chị bất ngờ ngừng lại, giọng trầm ngâm khiến tôi vô cùng sốt ruột. Tôi đã bị cuốn hút vào câu chuyện của chị. Không để tôi chờ lâu, chị kể tiếp:
-Anh Tôn Lâm sinh năm 1945, khi đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ của thực dân. Anh là con cả trong gia đình, nhưng theo thứ tự của đồng bào Nam Bộ, mọi người gọi là anh Hai Lâm. Gia đình anh khi đó đang sinh sống tại xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Cuộc sống gia đình không mấy khó khăn vì gia đình anh đều là thương gia, cha anh làm Tổng Giám đốc hãng xăng Caltex. Tuy làm việc dưới thời nguỵ, nhưng cha anh là một cơ sở ủng hộ cách mạng rất nhiệt tình. Cho đến tận bây giờ có rất nhiều gia đình đang giữ những kỷ vật mà cha anh đóng góp cho kháng chiến. Mẹ anh tham gia rất tích cực Hội mẹ chị binh sỹ, Hội mẹ chiến sỹ ủng hộ kháng chiến. Đến tuổi cắp sách tới trường, anh Hai Lâm được cha mẹ gửi tới học tại một trường ở Sài Gòn. Ngay từ thuở thiếu thời, anh Hai học rất giỏi, thường xuyên đứng đầu lớp. Không chỉ học giỏi, anh Hai hay giúp đỡ bạn bè trong lớp nên được các bạn rất quý mến. Mười bảy tuổi, anh Hai đã nuôi khát vọng mong muốn nhân dân được sống sung túc, đủ đầy trong không khí đầm ấm, yên bình. Năm 1963, anh Hai chứng kiến cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngay giữa trung tâm thành phố để chống cuộc chiến tranh. Anh là một trong số ba mươi người đứng thành vòng tròn xung quanh Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngăn không cho cảnh sát tiếp cận vị Hòa Thượng mà anh trân quý và kính phục. Đã hơn năm mươi bốn năm trôi qua, nhưng hình ảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu là một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm trí anh. Anh bồi hồi nói: “Thượng tọa ngồi thiền ở giữa. Một nhà sư chừng hơn 20 tuổi, cầm một can xăng hai chục lít tưới từ trên đầu xuống. Lửa bùng cháy, Hòa Thượng vẫn ngồi im không nhúc nhích trong hai mươi sáu giây. Anh nổi da gà và rùng hết mình. Hòa Thượng vẫn ngồi im và sau đó toàn thân nghiêng người ngã xuống trong tư thế chắp tay khấn Phật. Hình ảnh đó đã theo anh suốt cả cuộc đời, nhắc nhở anh hành trình sống vì cộng đồng“. Nhưng đất nước ở thời điểm này đang xảy ra chiến tranh, học hết trung học, như rất nhiều thanh niên ở miền Nam lúc ấy, anh Hai phải đi quân dịch. Xa ba má, xa bạn bè, xa Sài Gòn, anh Hai bị đưa đi đóng quân ở Cà Mau năm 1967. Tại vùng đất tận cùng của Tổ quốc này, anh Hai là một lính kiểng. Ngoài nhiệm vụ luyện tập ở thao trường, anh Hai thường xuyên dạy tiếng Anh cho trường trung học công lập Cà Mau. Bao đêm khuya nơi vùng đất U Minh, thầy giáo trẻ suy nghĩ về hiện trạng đất nước. Làm sao để đất nước được sống trong yên bình? Làm sao để nhân dân bớt khổ, trẻ em được cắp sách đi học? Là những trăn trở của chàng trai trẻ Tôn Lâm. Năm 1969, hình ảnh một thầy giáo trẻ người Việt, nói tiếng Anh lưu loát, đứng trên bục giảng dạy học trò say mê lọt vào mắt xanh của Tòa Đại sứ Mỹ. Tòa Đại sứ Mỹ đưa anh Hai về Sài Gòn làm phiên dịch cho Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Tại đây, ngày 30/4/1975, anh Hai là người cuối cùng rời nóc Tòa Đại sứ bằng trực thăng rời khỏi Sài Gòn. Trên chuyến bay đưa vợ con chấp nhận cuộc sống tha hương, chàng trai trẻ Tôn Lâm bật khóc! Khuôn mặt kiên nghị, đôi mắt thông minh rắn rỏi của anh Hai đau thắt lòng. Chẳng biết đến bao giờ mình về lại quê hương, về với ba má và các em, cùng với đất nước yêu quý của mình. Anh Hai thu vào mắt mình những hình ảnh cuối cùng của đất nước để dấn thân vào một cuộc sống mới trên đất khách quê người.
Ra khỏi Sài Gòn, anh Hai bước tới một khoảng trời rộng lớn của nước Mỹ. Cuộc sống với nhiều khác biệt ở một vùng đất mới, khiến anh Hai hết sức vất vả. Anh làm tất cả mọi công việc từ khuân vác đến phục vụ ở các tiệm ăn để có tiền đi học Đại học. Sau nhiều năm miệt mài trên đất khách, anh Hai được nhận vào Công ty Hóa chất Olin. Tám năm làm việc tại đây, anh đã tích lũy được một số vốn kha khá. Ý chí quyết tâm làm giàu và tư tưởng thích làm chủ đã thúc đẩy anh vay tiền ngân hàng để xây dựng một khu nhà cho thuê và một nhà hàng giới thiệu cơm Việt, phục vụ cộng đồng người Việt ở Chicago. Khi tìm địa điểm mở cửa hàng, do vốn ít và lần đầu kinh doanh trên đất Mỹ, nên anh đã chọn nhầm phải một con phố không ai dám bén mảng tới. Được vài tuần, anh mới hiểu ra rằng đây là khu vực đầy rẫy tệ nạn như nghiện ngập, ma túy, mại dâm nên nhà hàng thường xuyên vắng khách. Để khắc phục tình trạng này anh Hai đề nghị bà Quận trưởng lắp đèn chiếu sáng, sửa sang lại vỉa hè, đường phố sạch đẹp, còn anh Hai tình nguyện lập đội trật tự bảo đảm an ninh. Sau sáu tháng hoạt động tích cực, các tệ nạn hầu như không còn, khu vực anh Hai kinh doanh trở thành khu buôn bán sầm uất và địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Chicago. Năm 1987, anh Hai được bầu chọn là một trong 87 gương mặt doanh nhân thành đạt tại Chicago. Quán cơm Việt của anh Hai được tờ báo Tribune bình chọn là một trong 10 nhà hàng có món ăn ngon nhất thành phố Chicago trong hai năm liền. Sau đó, anh Hai còn mở thêm một nhà hàng khác là Delta Lounge, trên đường 400N.StateSt, thành phố Chicago. Tiếng lành đồn xa, những đóng góp của anh Hai cho cộng đồng ở nước Mỹ được Liên Hợp Quốc (LHQ) biết đến. Văn phòng UNDP viết thư mời anh Hai quay về Việt Nam tham gia các hoạt động giúp đất nước phát triển kinh tế. Đất nước là nỗi nhớ, niềm thương của anh Hai đối với ba má và các em, cùng bạn bè và bà con lối xóm suốt 13 năm ở quê người đất khách…Là người Việt Nam cuối cùng rời nóc tòa đại sứ ngày 30/4,anh Hai là một trong những người Việt đầu tiên trở về…
Một buổi chiều đầu đông năm 1988, anh Hai về đến sân bay Nội Bài. Vừa đặt chân xuống đất mẹ, anh khóc, nước mắt chảy dài trên má “vì đời sống của người dân còn khổ, lại phải dồn lực cho cuộc chiến tranh giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ Pôn Pốt, kinh tế đất nước đang trong thời kỳ lạm phát phi mã 700-800%”. Trong chuyến về thăm quê lần này, anh giành hẳn một tuần về Bạc Liêu thăm má và các em. Suốt quãng đường từ Hà Nội về Bạc Liêu, anh hết sức đau lòng vì nhìn thấy nhiều cảnh đời cơ cực của nhân dân lao động. Chuyến đi định mệnh ấy đưa anh Hai tiếp cận với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bộ trưởng đề nghị anh Hai lưu lại Hà Nội để giúp giải quyết một số việc liên quan đến đất nước, ưu tiên hàng đầu là tìm giải pháp xóa bỏ lệnh cấm vận của Mỹ.Sau hai tuần làm việc, anh Hai đã trình Bộ trưởng một phương án tổng quát nhằm tháo gỡ việc đất nước đang bị cấm vận và bao vây kinh tế. Một phương án táo bạo được anh Hai đề xuất với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch:“ Mình nên rút quân khỏi Cam puchia”. Nghe anh Hai đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch không đồng ý, nhưng cho phép sử dụng sáng kiến này trong đàm phán với Mỹ. Vì biết đây là trọng trách ảnh hưởng đến đời sống của người dân do đó anh Hai không dám chậm trễ giây phút nào. Ngay khi có ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, anh Hai trở về Mỹ. Tại đây, với quan hệ sẵn có một số chính khách Mỹ, sau một tuần khẩn trương liên lạc với các bạn bè thân thuộc, tìm cách tiếp cận chính khách cấp cao của chính phủ Mỹ. Rất may mắn, anh Hai đã gặp được người bạn là ông Strobe Talbott biên tập viên cấp cao tuần báo Time Magazine ở Washingon D.C. Nhờ ông, anh Hai đã tiếp cận được ông Richard H.Solomon, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách khu vực châu Á. Khi kể cho chị nghe, anh Hai bồi hồi nhớ lại:“ Trong buổi nói chuyện, tôi đã thuật lại cho ông Strobe Talbott về dự định giúp Việt Nam “phá vỡ” lệnh cấm vận của Mỹ và đề nghị ông giúp tôi gặp chính khách cấp cao trong Chính phủ Mỹ. Ông Strobe Talbott nói ông ấy có bạn học đang làm Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách khu vực châu Á Richard H.Solomon. Nhờ vậy mà tôi đã tiếp cận được và cuộc đàm phán được hình thành và kéo dài đến tận 22h tối. Trong cuộc thảo luận, anh Hai nhận ra rằng: Hai bên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết nên chưa thể gần nhau được. Cảm nhận được áp lực nặng nề trong việc tìm giải pháp để đem lại kết quả cho cuộc đàm phán, cuối cùng anh Hai nói với ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: “Nếu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, phía Mỹ sẽ phản ứng ra sao?”. Nghe anh Hai hỏi, vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hỏi lại:” Đây là câu hỏi giả định hay nghiêm túc?” anh Hai xác nhận: “Đây là câu hỏi nghiêm túc”. Ông Richard H.Solomon nghe và nói: “Nếu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia thì chúng tôi sẽ nối lại cuộc đàm thoại với Việt Nam”. Ông Thứ trưởng vừa dứt lời, anh Hai đứng dậy, chủ động bắt tay ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rồi nói:” Tôi xin phép được kết thúc cuộc thảo luận ngày hôm nay” trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Và anh Hai quay qua ông Strobe Talbott nói: “Tôi nhờ ông Talbott làm chứng cho lời khẳng định này”. Anh Hai kể tiếp: “Mặc dù anh không biết uống rượu nhưng đêm đó anh đã cụng ly tới bến với mọi người,tới tận khuya. Khi về đến khách sạn anh Hai kiệt sức nằm lăn ra giường. Lúc này hình ảnh của những đứa trẻ Việt Nam thiếu dinh dưỡng, những gia đình ôm nhau ngủ trên vỉa hè không màn không chăn, kinh tế đất nước đứng trước lạm phát phi mã và các doanh nghiệp loay hoay tìm hướng đi cho việc kinh doanh của họ, hiện lên trong tâm trí anh Hai.Anh Hai nhìn đã thấy ánh sáng phía cuối đường hầm, nước mắt anh trào ra. Anh rất mừng nhưng cũng rất lo vì không biết kết quả của cuộc đàm phán này sẽ đi tới đâu.
Sáng hôm sau, anh Hai bay ngay về Hà Nội và báo cáo trực tiếp toàn bộ cuộc họp tại Mỹ và ý kiến của ông Richard H.Solomon về việc “nối lại cuộc đàm thoại với Việt Nam” với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và anh Đặng Nghiêm Bái (Vụ trưởng vụ Bắc Mỹ). Sau khi nghe anh Hai báo cáo, Bộ trưởng yêu cầu anh Hai chứng minh. Anh Hai liền điện thoại tới ông Richard H.Solomon và ông này xác nhận lại với Bộ trưởng Thạch về việc “Mỹ đồng ý nối lại cuộc đàm thoại với Việt Nam”. Hai ngày sau, Việt Nam tuyên bố rút quân ra khỏi Campuchia. Ba tuần sau đó, Đại tướng Taylor được cử đến Hà Nội để gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Những tháng sau đó, Đại tướng Taylor đã nhiều lần đến Hà Nội để gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam được lập lại một cách thuận lợi.Hai tháng sau, anh Hai trở lại Washington D.C để tổ chức cám ơn những người bạn đã giúp đỡ anh Hai đạt được kết quả tốt trong cuộc đàm phán với phía Mỹ về việc dỡ bỏ cấm vận. Ông Strobe Talbott đề nghị tổ chức một buổi tiệc thân mật tại tư gia anh Hai. Tại bữa cơm này, ông Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard H. Solomon đang nói về dự thảo lộ trình bàn giao giữa hai nước thì bất ngờ nhận được cuộc điện thoại báo cáo rằng Đông Âu bắt đầu sụp đổ. Sau này, ông Strobe Talbott đảm trách chức vụ Thứ trưởng ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton và hiện nay đang làm Chủ tịch Viện chiến lược Hoa Kỳ: Brookings Institution (Đây là viện chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ đã có 100 năm bề dày lịch sử), ông Richard H.Solomon có thời kỳ làm Thứ trưởng ngoại giao, sau đó làm chủ tịch Viện chiến lược hòa bình Mỹ: United States Institute of Peace (Đây là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, cung cấp phân tích về các cuộc xung đột trên thế giới). Trong quá trình đàm phán nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, anh Hai đã đi đi lại lại giữa Washington-Hà Nội liên tục. Để tạo điều kiện giúp anh Hai lưu lại ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đề nghị cấp anh Hai một căn nhà, tại Thủ đô Hà Nội. Nhưng anh Hai đã từ chối nhận bổng lộc trên vì anh Hai thấy lúc bấy giờ người dân của mình còn quá cơ cực và quá nhiều khó khăn. Anh Hai đã đề nghị với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là anh tự bỏ tiền túi để thuê nhà ở. Một người bạn lúc ấy đang làm việc tại A35 tìm thuê cho anh Hai căn nhà đầu tiên trên đường Láng Hạ. Đối với anh Hai, một người Việt xa quê, giúp đỡ quê hương là hành động ý nghĩa và thiêng liêng nhất bởi anh Hai luôn mong muốn đất nước được đổi mới, phát triển, đi lên…
Những đóng góp của anh Hai với đất nước,với quê hương rất lớn. Nhìn qua đất nước Cu Ba anh em, để phá bỏ cấm vận của Mỹ đã phải trải qua một chặng đường 60 năm, theo đó là những thiệt hại về kinh tế – xã hội lên như bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đề cập đã lên đến con số: 125 tỷ USD, để rồi từ đó chúng ta càng trân trọng những đóng góp âm thầm, lặng lẽ của anh Hai.
Ngày 05/03/2015, văn phòng Chủ tịch nước phát hành công văn số 350/VPCTN-ĐN-M kiến nghị Bộ Ngoại giao xem xét, đề xuất hình thức khen thưởng của nhà nước đối với những đóng góp của anh Hai.Nhưng anh Hai từ chối vì anh Hai xem “những đóng góp nêu trên đây là bổn phận của một công dân Việt Nam đứng trước khó khăn của đất nước và dân tộc”. Ngày 1/5/2015, báo Los Angeles Time, một trong những tờ báo lớn nhất ở Mỹ có số lượng phát hành gần 3 triệu bản/ngày đã đăng bài “Dấu ấn Việt – Mỹ và con đường trở về quê hương”. Nội dung đề cập nhiều kiều bào nặng lòng với quê hương đất nước. Trong đó những đóng góp lớn lao, trực tiếp của anh Hai về việc gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, rút quân khỏi CămPuChia, kiềm chế lạm phát được cả hai nước Việt Nam và Mỹ đánh giá cao. Cuối năm 2015 anh Hai được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm đại sứ hoạt động về lĩnh vực nhân đạo thế giới. Ngày03 tháng 8 năm 2016, anh Hai được chính phủ Mỹ vinh danh:
“Thưa Tiến sỹ Tôn Lâm
Chúc mừng ông đã giành được giải thưởng của Tổng thống Mỹ cho các hoạt động tình nguyện cộng đồng, và cảm ơn ông đã giúp đỡ các nhu cầu cấp bách trong cộng đồng của ông và đất nước chúng tôi…Cảm ơn ông đã tận tâm cống hiến và vì những điều ông đã làm để tạo một ngày mai tốt đẹp hơn cho đất nước chúng tôi.
Barack Obama – Tổng Thống Hoa Kỳ”.
Anh Hai Lâm tại Hoa An Viên, ảnh: Nguyễn Thị Kim Hoa.
Không phải bây giờ mà ngay từ khi sinh ra và lớn lên anh Hai đã luôn sống vì cộng đồng.Ngày còn đi học cộng đồng của anh Hai là những bạn bè nghèo khó hơn mình trong lớp học. Anh thường giúp đỡ bạn bè khi tập vở, khi đồng tiền ăn quà sáng. Lớn lên đi làm anh tham gia dạy học cho trẻ em nghèo, giành tiền tặng những mảnh đời bất hạnh. Ngay trong gia đình lớn của mình, anh Hai cũng là đại sứ giành tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người.
Chị Út Tiên em anh kể:
-Năm 1988, anh Hai về Việt Nam. Má chị ôm anh Hai khóc nức nở. Mười ba năm anh Hai sống ở đất khách quê người là 13 năm má chị không đêm nào ngủ được trọn giấc. Anh Hai về má chị vui lắm, muốn anh Hai về hẳn Việt Nam. Nhưng anh Hai nói với má:
-Con về quê lần này để đưa mồ mả ông bà về một chỗ, trồng cây trong từ đường dòng họ, phát quà, phát gạo cho người nghèo, đưa 11 đứa cháu lên Sài Gòn cho tụi nó đi học. Con còn phải trở ra Hà Nội lo công chuyện chung của cộng đồng nữa má à. Chừng nào công việc tạm êm êm con sẽ về ở hẳn Việt Nam chăm sóc phụng dưỡng má. Mà má ơi! Con có chuyện này nhờ má, má đồng ý giúp con, má không được từ chối con nghe má?
-Có chuyện gì thì con nói với má đi, con trai của má rất tài giỏi, má rất tự hào về con, có chuyện gì má cũng đồng ý giúp con hết, con nói đi.
-Má ạ, má lớn bây giờ cô đơn lắm, con đi tìm má lớn ba tuần nay mới gặp. Má lớn ốm nhom hà. Má lớn ở một mình trong một căn nhà nhỏ xíu. Má giúp con chăm sóc má lớn hộ con nghe má?
Nghe con trai nói, má chị rưng rưng nước mắt. Má chị thấy anh Hai chị giống ba chị vô cùng, ai ba chị cũng thương hết.Ra đường gặp ăn xin, ổng đưa về tắm giặt cho đồ bận, rồi cho cơm ăn, cho gạo xách đi. Đi quanh xóm thấy sắp nhỏ mặt mũi tèm hem là ổng kêu đứa lớn rửa mặt cho đứa nhỏ. Xe ổng đi ngoài đường lúc nào cũng nhóc người ổng cho quá giang. Có một lần ổng cho hai tên quá giang nó lên xe trấn lột tiền bạc và đồng hồ của ổng.Nhưng lần sau đi có ai vẫy xe đi quá giang ổng tiếp tục cho đi. Ngày anh Hai nhờ má chị nuôi má lớn, nhìn má chị còn gượng gạo, anh Hai nhắc tụi chị chăm sóc má lớn. Khi anh Hai ở Hà Nội một tháng vô thăm, thấy má nhỏ đút cơm cho má lớn ăn, khi đó anh Hai mới yên tâm. Má lớn được chăm sóc, sống thêm mười năm, anh Hai chị vui lắm. Em không biết đâu, anh Hai lo cho cả gia đình lớn, nuôi 11 đứa cháu đi học, mua bảy căn nhà cho các em, đến năm 70 tuổi, anh Hai mới mua nhà cho mình. Mười môt người cháu anh Hai nuôi, hiện nay đều trở thành những doanh nhân thành đạt, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của xã hội. Sống ở giữa phố phường Hà Nội, nhưng anh Hai nhớ món thịt kho tàu chị Tám chị làm, nhớ con cua Bạc Liêu ngon hơn rất nhiều con cua ở nơi khác, chị gởi ra. Trái chuối sứ ở Bạc Liêu, em trai chị đưa ra Hà Nôi luộc, anh Hai nói màu chuối luộc rất đẹp, ăn rất thơm, rất đậm đà. Chị Hai được bạn cho con cá ở quê, đưa về cả nhà ăn, anh Hai ăn khen thịt chắc và thơm. Ông bán vé số mời ảnh ăn nửa ổ bánh mì, anh Hai ăn ngon lành, khen bánh mì ổng mua còn ấm nóng…
Mỗi buổi sáng đi làm nghe các cháu chào bác,các em chào anh,các chị chào chú, anh Hai thấy mình rất hạnh phúc vì đã mang lại hạnh phúc cho nhiều người ở nhà hàng Hoa An Viên. Thấp thoáng trong nhà hàng có tiếng gọi: Anh Hai,bác Hai,cậu Hai…đó là em, là cháu được anh Hai đưa từ Bạc Liêu ra Hà Nội. Có một Bạc Liêu ở giữa lòng Hà Nội không chỉ là những đụn rơm vàng ươm, bên con trâu nghỉ ngơi sau mùa gặt hái, không chỉ là dây mướp, dây bầu, dây dưa leo, bông hoa mua, hoa dâm bụt gắn với tuổi thơ anh Hai bên bà nội ở vùng Bạc Liêu xa xôi gần cuối chân trời mà Bạc Liêu còn hiện hữu ở giữa lòng Hà Nội bằng máu thịt của những người thân yêu nhất. Không chỉ chăm lo cho những người thân yêu nhất, anh Hai còn đau đáu một tấm lòng sống vì cộng đồng. Bây giờ đã ở tuổi trên bảy mươi, nhưng anh Hai vẫn tự lái xe đi làm. Mỗi buổi sáng ngồi bên tách cà phê nóng, nhìn dòng người qua lại trên đường phố là anh Hai lại nghĩ về hiện trạng của đất nước và trăn trở trước đời sống của nhân dân lao động. Nhận thấy tai nạn giao thông hiện đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, để lại hậu quả hết sức nặng nề và nghiêm trọng, anh Hai đã nghiên cứu các vụ tai nạn giao thông. Anh đúc kết ra rằng đa số nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông là do người sử dụng phương tiện giao thông đi từ hẻm nhỏ băng ra đường lớn với tốc độ cao và bất ngờ, dẫn đến tai nạn. Anh Hai đã đề xuất lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lắp đặt các biển cảnh báo giao thông STOP – Dừng lại, Quan sát, Đi tiếp. Sau hơn một năm, tỉnh đã tiến hành lắp đặt 36 biển cảnh báo giao thông STOP – Dừng lại, Quan sát, Đi tiếp. Các biển cảnh báo này đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là đối với những người mới tham gia giao thông và những người từ xa đến tham gia giao thông ở Hậu Giang. Các biển cảnh báo này kịp thời điều chỉnh những bất cập, thiếu sót của hệ thống hạ tầng giao thông và xử lý, khắc phục một số điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn, tạo điều kiện cho người và phương tiện tham gia giao thông được thông suốt và an toàn.
Tấm lòng của anh Hai thật đáng trân quý vì tâm trí anh luôn hướng về quê hương Hậu Giang ruột thịt. Anh giành tâm huyết và tình cảm đối với những mảnh đời cơ cực, có cuộc sống mưu sinh lam lũ của bà con nơi này. Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, mới được thành lập năm 2004 do tách từ tỉnh Cần Thơ cũ, nên cuộc sống của người dân Hậu Giang vẫn gặp nhiều khó khăn. Khi đọc báo Dân Trí ngày 14/09/2016, anh Hai tình cờ biết được chị Đỗ Thị Mỹ Nương (27 tuổi, ngụ tại tỉnh Hậu Giang) đang phải vật lộn với tử thần trên giường bệnh bởi căn bệnh suy tim giai đoạn cuối. Anh Hai bồi hồi xúc động thương cảm cảnh nghèo khó của gia đình chị Nương. Chị không đủ điều kiện để thực hiện ca mổ giữ lại mạng sống. Đau thắt lòng hơn khi chị đang nuôi hai con nhỏ, nếu một ngày chị mất đi, không biết các cháu phải nương tựa vào ai. Khoản tiền mổ tim quá lớn, đối với gia cảnh nhà chị. Anh Phúc- chồng chị Nương quay cuồng chạy vạy khắp nơi vay mượn để cứu mạng sống của vợ, nhưng chỉ vỏn vẹn được một số tiền ít ỏi. Sự sống của chị Nương đang tính bằng ngày, cứu được chị Nương là cứu được cả gia đình chị.Không ngần ngại, khi đọc được thông tin cầu cứu của gia đình anh Phúc, chị Nương, anh Hai đã chuyển khoản ngay số tiền cần có để chị Nương được thực hiện ca phẫu thuật kịp thời. Đến nay, sức khỏe chị Nương đã dần dần hồi phục. Trước những đóng góp thầm lặng vì nhân dân của anh Hai – một Đại sứ hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo thế giới, đối với Hậu Giang, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang rất cảm kích và tự hào vì có một người con quê hương tài đức như anh.
Hoa Vô Ưu ở nhà thờ họ Tôn tại Bạc Liêu, ảnh: Nguyễn Thị Kim Hoa.
May mắn cho chúng tôi có dịp về Bạc Liêu, nơi quê cha đất tổ của anh Hai trong tiếng xôn xao của gió và nắng, trong tiếng reo vui của đoàn em nhỏ tới nhà thờ gia tộc họ Tôn ở thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thắp nhang dâng lên bàn thờ gia tộc. Chúng tôi hiểu rằng:Trải bao dâu bể! Tiên Tổ họ Tôn luôn dõi theo từng bước đi của con cháu để nâng đỡ, để dìu dắt, để yêu thương. Lận đận trong khốn khó, trong nhọc nhằn của kiếp người, nhờ hồng phúc của Tiên Tổ để lại con cháu luôn nảy nở, sinh sôi, ấm cội, mát cành. Nhìn các ông bà lưng còng, tóc bạc, da mồi, đang thắp nhang lên bàn thờ gia tộc, chúng tôi hiểu nhân lành đang kết thành quả ngọt. Lòng thương người, lòng nhân hậu, lòng bao dung sống với cuộc đời do các đời họ Tôn gây dựng đang được con cháu noi gương. Chắc chắn ở trên Cao Xanh kia, ông bà, ba má và các em rất vui vì anh Hai và con cháu luôn luôn nghĩ về nguồn cội. Nói về gia tộc, anh Hai từng chia sẻ: – Dòng tộc đối với anh rất quý. Anh thấy bình yên, ấm áp, vui vẻ khi về với bà con trong họ. Vùng đất Bạc Liêu quê ông bà nội anh, nổi tiếng đất lành chim đậu với những truyền thuyết về sự giàu có, trù phú. Tuổi ấu thơ anh trôi êm đềm trong mạch nguồn văn hóa của vùng đất phương Nam hào sảng. Ông bà nội anh thương anh lắm. Những giấc mơ đẹp, những giấc mơ lành của anh là những cánh đồng hoa đẹp trên cả tuyệt vời, ở đó có quê hương, có dòng tộc, có ông bà, ba má, sum họp. Với anh, hình ảnh đất nước, quê hương đặc biệt là dòng tộc luôn luôn ngự trị ở nơi chốn linh thiêng. Anh đã đi nhiều nước, ở nhiều nơi, nhưng dòng tộc là bến, là bờ, neo anh ở lại chốn nào. Dù ở đâu, đi đâu anh cũng quay về nguồn cội. Anh đi xa là để trở về. Những năm tháng cuối đời anh sẽ về ở Bạc Liêu – quê cha đất Tổ sinh sống, vun đắp nhà thờ gia tộc trường tồn cùng năm tháng.
Và tháng 11 này, hoa vô ưu ở nhà thờ gia tộc họ Tôn đã nở. Hoa gợi nhớ đến đại sứ hoạt động về lĩnh vực nhân đạo thế giới Tôn Lâm đã sống, đang sống những năm tháng rất đẹp của cuộc đời luôn luôn vì cộng đồng.
Trả lời